Dạo gần đây, mình ít viết lại, và vì thế cũng ít xuất hiện trên các trang mạng xã hội hơn. Sau khi chính thức trở thành một Product Guy 🥸 tại một công ty làm về A.I (trí tuệ nhân tạo), mình thúc bản thân thật mạnh để “ngoi” lên và chia sẻ về điều đã đau đáu từ lâu: chuyện là generalist (từ đi học tới đi làm).
P/s: Nếu bạn muốn đọc thêm về quá trình chuẩn bị, tích lũy để “break into Product” thì nói mình nhé.
Nội dung hôm nay mình chia sẻ tập trung vào generalist, hay còn gọi nôm na là dâu trăm họ – gì cũng biết chút chút. Chữ này đã gắn bó với mình từ khi học đại học tới những năm đi làm tới hiện tại.
Lý do mình muốn chia sẻ về việc này vì:
- Là người trẻ, tiếp xúc với khá nhiều thông tin, mình dần từ “biết mình muốn gì” chuyển thành “mình không (còn) rõ mình muốn gì”.
- Xã hội đang dần chiều chuộng suy nghĩ “hãy là người đa-zi-năng” nhưng ít ai cho bạn biết rằng trong quá trình biết chút chút ấy, triệu chứng imposter sẽ ám bạn hàng ngày và khiến bạn một lần nữa… “không (còn) rõ mình muốn gì”.
Vì vậy, mình muốn viết bài này để nói về generalist – con đường từ học chung chung đến làm chung chung của mình. Mong bạn tìm thấy bản thân giữa những con chữ và rút ra những thứ hay ho gì đấy.
chung chung: kinh doanh quốc tế
Xuất thân từ ngành Kinh doanh quốc tế (I.B), mình đã học khá nhiều: từ marketing, đến luật, rồi tài chính, kế toán và ti tỉ những thứ khác. Vì học quá nhiều môn của quá nhiều ngành, cộng với việc các doanh nghiệp liên quan thiếu tiếp cận đến sinh viên nên sau bốn năm, mình không rõ sẽ làm gì sau khi học ngành này, ngoại trừ đi theo nghiệp xuất nhập khẩu.
Nhưng thực tế ngành đi sát nhất với đầu ra, theo trải nghiệm của bản thân, chính là consultancy (ngành tư vấn) tại những công ty chuyên về market entry (thâm nhập thị trường). Công việc của một consultant thường sẽ đòi hỏi những kỹ năng/kiến thức liên quan đến những thứ chung chung bên trên (mình sẽ chia kỹ năng vs môn mình từng học):
- Nghiên cứu thị trường: Marketing căn bản, Marketing quốc tế, Quản trị đa văn hóa, Kinh doanh quốc tế,…
- Làm việc với đối tác: Kỹ năng đàm phán, Kỹ năng giao tiếp,…
- Đề xuất chiến lược thâm nhập: Pháp luật đại cương, Luật thương mại quốc tế, Quản trị tài chính, Marketing quốc tế, Quản trị tài chính công ty đa quốc gia,…
Đương nhiên, để ứng tuyển vào bất kỳ công việc gì, bạn cũng cần thêm những kỹ năng cứng như domain knowledge hay technical skills của mảng công việc ấy, hoặc kỹ năng mềm như design powerpoint, soạn thảo văn bản, tư duy phản biện,…
Hãy nhớ là: Học International Business ra không chỉ để làm xuất nhập khẩu, bạn có thể làm International Business (khác) nữa.
chung chung: business consultant
Bản chất của một bạn làm consultant là một generalist. Tương tự như cách thức hoạt động của một agency, công việc của bạn là project-based (theo từng dự án), nghĩa là kết thúc dự án này thì bạn sẽ không làm việc với ngành ấy nữa mà sẽ chuyển qua ngành khác, công ty khác, sản phẩm khác. Vì vậy, bạn chỉ giữ lại những kỹ năng của một consultant, những frameworks đẹp đẽ và copy – paste nó qua nhiều ngành khác nhau mà không đi thật sự sâu vào bất kỳ mảng nào.
Nhìn chung, có ba career paths liên quan đến công việc này:
- Start ở một consultancy firm > Trong quá trình làm generalist, bạn tìm được industry / sản phẩm / dịch vụ mà bạn muốn theo đuổi > Out ra khỏi consultancy và trở thành chuyên gia cho industry / sản phẩm / dịch vụ ấy. Có một bác đối tác nọ sau khi làm cho PwC ở mảng trang sức sang trọng nhiều năm đã chuyển hẳn sang làm quản lý tại một brand trang sức tại Pháp.
- Start ở một consultancy firm > Tiếp tục tích lũy để thăng cấp tại đây, đích đến là Partner hoặc Senior Partner. Nếu bạn tham vọng, có thể trở thành một Managing Partner, tương tự một CEO của một công ty.
- Start ở một công ty khác > Sau quá trình chuyên môn hóa rất sâu vào ngành, sản phẩm, dịch vụ ấy, bạn chuyển qua consultancy firm và tiếp tục chuyên trách cho ngành, sản phẩm, dịch vụ này. Theo con đường này, bạn sẽ chỉ nhận những dự án liên quan đến chuyên môn trước đó của mình. Có một chị khách mời nọ, sau khi vững chãi ở mảng data đã bén duyên với một consultancy firm và chuyên về mảng data science.
Nếu hai hướng trên sẽ gắn nhãn generalist cho bạn, thì hướng cuối cùng sẽ gắn nhãn specialist.
chung chung: product management/ownership
Ở vị trí mới, mình tiếp tục là một generalist. Đối với những ai thường xuyên tìm hiểu về Product, bạn sẽ thấy hình vẽ này khá quen thuộc.
Về vai trò cụ thể của một người làm product, mình sẽ chia sẻ ở bài sau nhé. Còn ở bài viết này, để mô tả khái quát về vị trí của Product như sơ đồ trên, bạn sẽ thấy Product là giao thoa của 3 bên: Business, UX, Tech.
Vì công việc của Product là tất tần tật những thứ liên quan đến sản phẩm nên bạn nghiễm nhiên trở thành cầu nối cho ba team trên: từ nơi đề ra chiến lược – Business, tới nơi xây dựng sản phẩm từ những dòng code sơ khởi nhất – Tech, và cả nơi xây dựng hình hài sản phẩm (giao diện, ngôn từ, trải nghiệm nói chung) của sản phẩm – UX.
Đứng giữa tổ chức (chứ không phải đứng trên nhé), bạn cần nói thứ ngôn ngữ của họ, i.e. hiểu được nền tảng kiến thức trong những mảng công việc này để họ nói mình hiểu và mình nói họ hiểu. Vì vậy, bạn cần học những thứ ấy, nhưng ở mức hiểu được chứ không cần chuyên. Thế đấy, mình lại là một chàng “dâu trăm họ” khác. Một generalist!
vậy thì… chung chung thôi!
Từ khi đi học đến đi làm, mình cứ thế mà “chung chung” và ít đào sâu vào từng mảng ngành nào. Do đó, đôi khi nhìn quanh, mình lại hơi tự ti vì ai tầm tuổi mình hoặc lớn hơn đều ca ngợi về sự chuyên biệt trong một ngành nào đó. Rồi dần dà, mình cũng phát triển thêm một triệu chứng tâm lý của những đồng môn “chung chung” – hội chứng kẻ mạo danh (imposter syndrome). Tâm lý này theo mình một thời gian dài.
Nhưng với rất nhiều lần tự vấn, và nhiều lần rèn luyện, mình nhận ra rằng ai cũng không hoàn toàn chắc về bất kỳ điều gì trong cuộc sống cả, dù bạn là “riêng riêng” hay “chung chung”. Thế nên mình học cách thả lỏng và quan niệm rằng:
- Dàn trải nhiều giúp mình “vô tình” thu lượm thật nhiều góc nhìn. Thế là mình có thể apply tư duy của Product trong việc dạy học ngoại ngữ, apply tư duy của một Business Consultant khi làm Product và làm business riêng, hoặc thậm chí hiểu về mảng tài chính ngân hàng khi làm việc tại một Fintech nọ.
- Mình, và có thể là bất cứ ai đều không là kẻ mạo danh vì suy cho cùng, ai cũng đang nỗ lực hết mình, ai cũng just navigating trong cuộc sống. Hay là phải chăng ai cũng là kẻ mạo danh, nhỉ?
Bài viết này hơi dài vì nó mang tâm tư của mình từ hồi đại học tới giờ, cũng hơn 5 năm trời mà. Mong rằng ai còn trẻ sẽ tiếp tục vững lòng đi tiếp, ai chững tí sẽ tiếp tục tìm kiếm con đường sự nghiệp riêng. Cảm ơn bạn, dù mới hay cũ, đã dõi theo mình!
just navigating,
hieuluctrong.
Ngưỡng mộ hành trình của anh Lucas quá. Em cũng thích product nên là hi vọng anh ra bài nhiều hơn để em cắp sách ghi chép.
Chung background với Hiếu và cũng đang trải qua giai đoạn tâm lý của các đồng môn nên bài viết thực sự chạm đến mình. Mong được đón đọc nhiều bài viết của bạn trong tương lai.
Thời gian mà em cảm thấy phân vân giữa nhiều ngã rẽ và cảm thấy rất vô định, em nghe theo lời anh khuyên theo market research đi ó :)))
Em thì đi từ không biết mình thích gì, đến bây giờ tiếp xúc nhiều ngành hàng thì lại rơi vào trạng thái ngành nào cũng thích, nhưng rồi tự ti vì mỗi ngành chỉ biết một chút, cảm thấy bản thân không có lợi thế tuyệt đối, và lại lạc lối khi lựa chọn hướng để bước những bước tiếp theo.
Anh mình trải qua cảm xúc này chưa ạ, hi vọng được đọc tiếp những bài khác về chủ đề này nhe anh.
Btw, mong chờ được gặp lại người anh nè =)))
Chuyện làm một nghề tổng quát hóa sẽ khiến mình mông lung khá nhiều. Nhưng nếu em vẫn muốn theo nó thì hãy tập trung làm – lặp đi lặp lại – những frameworks, process của nó để em luôn deliver kết quả tốt nhất, một cách đồng đều nhất. Ngược lại, nếu em muốn chuyên biệt hóa ở một ngành nào đó, thì hãy cân bằng giữa điều mình thích (một trong những ngành em đã tiếp xúc) – điều mình giỏi (thể hiện qua chất lượng report, feedback của sếp, feedback của đối tác).
Để nói có lợi thế tuyệt đối ở một mảng nào đó trong tầm tuổi này thật sự khó vì mình thiếu thời gian và kinh nghiệm. Vì vậy, quan trọng là hiểu bản thân mình đã (điều mình thích và giỏi). Sau đó, xem thêm những điểm cần cải thiện, ví dụ như em đã tự tin thực hiện một research end-to-end một mình chưa, em có phân tích kết quả survey một cách thuần thục, em đã làm một report ngành chuyên sâu chưa,…. Khi đặt đủ câu hỏi cho bản thân thì mong rằng em sẽ tìm được câu trả lời phù hợp ^^