Cả nửa tháng hơn rồi mới khuây khỏa đôi chút để ngồi đánh máy kể về trại hè lãnh đạo cùng Fulbright x The New Leaders. Có chút sai sót nào đấy thì xin các cá nhân được mơ hồ nhắc đến đừng giận mình, vì hai hôm ấy chỉ ngủ được 9 tiếng ạ!

Hồi cuối năm 2019, mình bén duyên nhiều hơn với nghề đi nói. Trong số những lần đi nói này, hành trình với The New Leaders rất khó quên. Sau mỗi lần coaching, mình lại thu nhặt được bao trải nghiệm, bao cuộc đời của những học viên đang loay hoay tìm (lại) câu chuyện đầy cảm hứng của bản thân, thông qua kỹ năng Public Narrative.

May sao được team yêu thương, thi thoảng lại có dịp tán gẫu, BBQ với nhau. Cũng nhờ thế mà khoảng tháng 5, mình biết đến một trại hè về kỹ năng lãnh đạo cho những bạn trẻ đến từ Fulbright. Dịp ấy vừa trùng với giai đoạn chuyển giao lớn của mình (sẽ bật mí sau nhé) nên thiên thời, địa lợi, nhân hòa, mình xách ba-lô lên và trở thành Coach cum Facilitator cho Leadership Camp Fulbright 2022!

Để kể về tất cả những gì đã qua sẽ cần một video dài hơi lắm nên mình chờ clip tổng kết từ The New Leaders nhé. Nếu bạn muốn thấy khuôn mặt khả ái mình trong đấy, nhớ follow trang facebook này hen.

Lý do của bài blog này, cũng như rất nhiều những bài khác đăng tại đây đều sẽ thiên về trải nghiệm của mình, những bài học, và suy nghĩ của mình trong quá trình just navigating cuộc sống của mình. Vì vậy, ở chuyện đi trại hè, mình sẽ chủ yếu nói về những thứ ấy.

với những người thanh niên dần trưởng thành…

Khi làm việc với đối tượng sinh viên, hoặc những bạn trẻ nói chung, sẽ có một khoảng cách thế hệ nhất định. Điều này thể hiện qua cách nhìn nhận và xử lý vấn đề. Đối với thế hệ cũ, một hành động nhỏ như hỏi về đại từ xưng hô chắc sẽ rất… lạ. Nhưng giữa những định kiến ồn ào và mong mỏi (hay nhu cầu?) được tự do thật hơn, đại từ xưng hô trở thành một sức mạnh to lớn. Vì vậy, khi mình bắt đầu coach, câu cửa miệng luôn là: “How may I address you?” hoặc “What are your pronouns?”. Hãy trao sức mạnh sự tôn trọng cho những người thanh niên ấy.

Nói là vầy, nhưng không phải thế hệ nào cũng khác biệt tới gốc rễ. Ai cũng muốn thuộc về, gắn kết với một nhóm, một cộng đồng nào đó. Vì vậy, đừng bỏ ai lại phía sau chỉ vì ta “thấy” chút cự tuyệt khi bắt đầu giao tiếp. Khi gặp trường hợp này, mình đã hẹn em ở lại và lắng nghe em. May quá, bức thư tay bạn gửi cuối chương trình đầy sự cảm ơn vì khi ấy mình đã níu tay bạn lại để hai anh em cùng đi tiếp.

về khủng hoảng và phép nhiệm màu của đồng đội…

Cuộc đời mà, dẫu có lên kế hoạch kỹ lưỡng đến đâu, bạn sẽ luôn gặp một bất trắc gì ấy. Mình vẫn nhớ cơn khủng hoảng ấy đến vào khoảng 22h khi phải họp khẩn để thay đổi nội dung chương trình ngày mai. Một người chị thường ngủ lúc 20h và dậy lúc 4h vẫn gắng gượng đến giờ này. Những người em chạy hậu cần cả ngày phải lon ton đi phát mì gói, nước uống. Người anh bác sĩ chưa kịp nói xong đã chạy vội đi hỏi thăm em sinh viên bị dị ứng gì đấy. Ai cũng mệt nhoài khi đang giải quyết cơn khủng hoảng ấy. Thế mà bằng một phép nhiệm màu, cả team đã chốt nhanh phương án cho ngày mai, phân chia công việc để làm ngay tờ mờ sáng. Tất cả rốp rẻng để kịp về nhà lúc nửa đêm. Quào.

Những người đồng đội đỉnh của chóp

Mình xin phép tự rút ra vài bài học về khủng hoảng và cách cùng đồng đội tạo nên phép màu:

  1. Giữa khủng hoảng, đừng cố kéo dài thời gian bằng những bàn luận thừa thãi. Hãy rút gọn thời gian hết mức có thể và tập trung vào hiệu năng, thay cho sự tròn trịa của giải pháp. Trước khi bắt đầu cuộc họp, hãy tóm tắt tình hình > đưa ra vấn đề > liệt kê nội dung cần bàn luận > bắt tay vào brainstorming > chốt giải pháp. Trong khi bàn luận, mỗi thành viên phải luôn giữ ngôi sao phương Bắc của cuộc họp (mục tiêu: giải quyết khủng hoảng) để tránh việc lan man.
  2. Giữa khủng hoảng, bạn rất cần:
    • Một người leader trao quyền nhưng vẫn tỉnh táo để chốt hạ vấn đề
    • Một người đưa ra ý tưởng để vẽ ra nhiều đường hướng giải quyết
    • Một người ở dưới đất, hay có tư duy phản biện để luôn giữ cả team không bay bổng

Đương nhiên “quá” điều gì cũng không tốt, nên đừng trao quyền quá, đừng bay bổng quá, đừng ghìm xuống đất quá. Hãy tìm điểm cân bằng để cùng nhau đi tới giải pháp.

và về bản thân mình…

Tính mình thích làm nhiều, đặc biệt dính tới chuyện con người lại càng thích. Vậy nên khi nghe chị leader hỏi trước rằng: “Em có làm toàn tâm được không?”, mình chắc nịch: “Đã làm gì thì em sẽ luôn đảm bảo, chị đừng lo”.

Mình vẫn nhớ tối hôm trước khi đi, 23h45 mới về tới nhà sau một chặng bay. Lo kiểm lại hành lý (đã chuẩn bị trước) rồi làm kịch bản MC, thế mà cũng tới 01h00 hôm sau. Ngủ được ít tiếng là lại tươi rói, tới điểm tập kết và gặp gỡ đồng đội và sinh viên. Cứ thế nói quần quật dưới nắng, dồn hết tâm huyết vào ngày đầu tiên để đảm bảo cái “nịch” ấy vẫn chắc 😄

Hồi còn là sinh viên, khi mình một năm chạy cả chục sự kiện, sai có, đúng có, tùm lum có. Biết bao trải nghiệm đi qua đã đưa mình tới đây. Có lẽ thêm vài năm nữa, khi chạm mốc 30, hay là điều gì đó nằm bên kia bờ 30, mình vẫn sẽ như vầy. Đời là để sống, không phải để dành mà. Mình nghĩ vậy ^^

Bửu Long tháng 6/2022

Chút suy nghĩ sau một ngày đau mắt vì nhìn máy tính nhiều 🤓. Bởi mới nói, mình cũng…

just navigating,

hieuluctrong.

Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments