Chuyện nghề của mình đã gặp khá nhiều ngã rẽ, từ đi làm bốc vác đến nghiên cứu thị trường, và giờ là một người đi học về Product. Trong thời gian gần đây, mình đã và đang thấy nhiều bạn bè chuyển vào ngành tech. Vì vậy, với trải nghiệm làm việc tại một kỳ lân công nghệ Việt Nam, cũng như với chút ý đồ giới thiệu về cụm sau của fanpage Maz học Data và Lucas học Product, mình muốn chia sẻ về “Vì sao lại là Product?”.
Bài viết này sẽ đi qua:
- Câu chuyện cơ duyên đến với con đường Product của mình
- Khái niệm về Product và những công ty làm (phần mềm) Product
- Người Product là ai?
Chuyện cơ duyên
Cơ duyên thứ nhất là lúc mình từng ứng tuyển cho một vị trí Data Analyst tại một công ty chuyên về game âm nhạc. Khi đó, một người anh giới thiệu mình vào vị trí này đã từng nói rằng thị trường ứng dụng sẽ giúp mình tiếp cận đến người dùng toàn cầu. Và khi ấy, nó là key hook đã dẫn mình “vào ngành”.
Một ứng dụng, với một nền tảng internationalisation vững chắc (xây dựng sản phẩm đủ linh hoạt để có thể được địa phương hóa và phiên dịch lại khi “xuất khẩu”), việc mở rộng sang thị trường khác sẽ nhân tầm ảnh hưởng của bạn lên rất nhiều. Đó cũng mục tiêu của mình – tạo ra một sản phẩm giải quyết những nhức nhối của người dùng khắp nơi 🌏
Cơ duyên thứ hai đến với mình khi mình làm tại ví điện tử ZaloPay thuộc tập đoàn VNG – kỳ lân công nghệ đầu tiên của Việt Nam. Đây cũng là trải nghiệm đầu tiên của mình tại một công ty làm về sản phẩm B2C (hay còn gọi là Consumer Facing Product). Ở đây, mình được làm điều mình thích – sử dụng dữ liệu bên trong để cải tiến sản phẩm và nghiên cứu thị trường (thông tin bên ngoài) để tìm ra định hướng, chiến lược mới cho sản phẩm. Trên hết, khi làm cho một sản phẩm B2C, mình ở gần hơn hết những người dùng hàng ngày và với một thị trường cực lớn (cũng gần 100 triệu dân chứ mấy!), tiến về mục tiêu “người dùng khắp nơi” không hẳn xa vời.
Và cơ duyên cuối cùng, một động lực lớn của mình trong năm 2021 là tìm được người chị mentor cách xa 12 ngàn km. Khi đi trên một con đường mới hoàn toàn, mình đã rất lung lay vì không rõ trong biển thông tin, đâu nên là bước đầu. Nhờ chị mà mình đã tìm được quyển sách đầu tiên giờ đã thành bí kíp gối đầu (nó đang chễm chệ trên tủ đầu giường). Và đồng thời, những lời khuyên của chị đã giúp mình vạch ra một kế hoạch phát triển cho bớt phần nao núng, thêm nhiều phần chắc chắn.
Từ những mảnh duyên ấy, mình đã quyết định Lucas sẽ Học về Product.
Vậy thì Product là gì? 🤔
Product và những công ty làm Product
Không chỉ giới hạn về mặt ngữ nghĩa, “product” = “sản-phẩm”, Product thực chất là khái niệm bao hàm tất cả những gì con người làm ra và có thể chia thành 2 loại:
- Hữu hình (tangible) như chiếc điện thoại bên cạnh bạn, màn hình máy tính bạn đang nhìn vào;
- Vô hình (intangible) như một chiến dịch quảng bá dầu gội đầu xem trên ti vi, một sự kiện bạn tham dự trước lockdown, hay một trình duyệt bạn đang dùng để đọc bài blog này.
Để tiện gọi tên thì mình sẽ sử dụng khái niệm “sản phẩm” và “product” một cách tương đương trong bài viết này. Vì định hướng của mình trong thời gian tới sẽ là làm việc trong các công ty mobile app nên mình sẽ nói sâu hơn về mảng sản phẩm vô hình nhé.
Ngoài việc phân loại dựa trên hình hài của sản phẩm, ta cũng có thể phân biệt các products dựa vào (1) mức độ cố định, (2) đối tượng khách hàng hoặc (3) giai đoạn phát triển của sản phẩm. Chúng ta sẽ có:
- (1.1) Shipped Software: Là một ứng dụng/phần mềm được đưa lên chợ ứng dụng (App Store, Google Play Store,…) hoặc cài trong đĩa (đĩa game PlayStation, phần mềm diệt virus cài bằng đĩa Kapersky,…). Những sản phẩm này sẽ ít linh động hơn vì để cập nhật, bạn phải đẩy phiên bản mới lên chợ ứng dụng – chờ phê duyệt và triển khai cho người dùng. Hoặc thậm chí bạn chỉ có thể sản xuất “phần to-be-continued” của tựa game ấy vào mùa sau.
- (1.2) Online Software: Là ứng dụng trực tuyến, có thể sử dụng ngay mà không cần hành động “cài đặt”. Ví dụ như bản website của Slack, Notion, hay Facebook là dạng này. Những sản phẩm này ít bị giới hạn hơn nên việc cập nhật sẽ nhanh chóng, và nếu có vấn đề gì thì có thể roll-back (đưa sản phẩm trở lại phiên bản cũ) mà không cần chờ đợi.
- (2.1) B2C (Business-to-Consumer hoặc Consumer Facing Product): Những products hướng tới và được sử dụng bởi người dùng như cô dì chú bác và chính bạn. Ví dụ như mạng xã hội Instagram, ứng dụng OTT Zalo,… là những sản phẩm B2C.
- (2.2) B2B (Business-to-Business hoặc Software-as-a-Service Product): Những products hướng tới khách hàng doanh nghiệp. Ví dụ như Facebook for Ads dùng để chạy quảng cáo và sinh lợi nhuận cho người bán hàng trực tuyến, các phần mềm kế toán/quản trị của Misa,…
- (3.1) Start-up (hoặc Early stage) Product: Như tên gọi, đây là những sản phẩm thuộc các công ty start-up. Ví dụ như ứng dụng thiền Mindfully, giáo dục theo phương pháp đến từ Nhật Bản Manabie,…
- (3.2) Mature Product: Đây là những sản phẩm thuộc các công ty lớn, có bề dày kinh nghiệm và vị thế vững chắc trên thị trường. Những ứng dụng như Google Calendar, Facebook, Twitter,… là những ví dụ điển hình.
Một người học hay làm về Product là làm gì?
Chuyện người Product
Khi muốn hiểu về một vị trí nào đó, dù là trong giai đoạn ứng tuyển hay chỉ đơn thuần tìm hiểu về nó, mình hay đi kiếm Mô tả công việc mẫu hoặc LinkedIn của những người có kinh nghiệm đi trước. Mình cũng lân la nhiều blog để tìm ra câu trả lời chính xác cho định nghĩa về “Người-Product”, một danh từ chỉ những ai làm về Product Management.
Sau khi so sánh những mô tả bên dưới với cái thật sự những “Người-Product” đang làm tại công ty, mình muốn trích dẫn lại 2 định nghĩa tâm đắc nhất:
A product person is someone who handles all this, every day, and comes out with a solution that works.
She / He is not the project manager.
She / He is not the analyst.
She / He is not the beta tester.
She / He is not the business consultant.
She / He is not the sales rep.
She / He is not the engineer.
She / He is not the designer.
She / He is not a specialist.
Nguồn: Nidhi Gurnani on Medium
Là cầu nối giữa những bộ phận khác nhau – business, developer, designer – một người làm Product sẽ phải đội nhiều cái mũ khác nhau và nói nhiều ngôn ngữ khác nhau. Họ có thể rất chuyên về một mảng nào đó thuộc những bộ phận trên và quyết định trở thành cầu nối, Product Manager, cho mảng ấy. Ví dụ:
- Technical Product Manager: Vị trí cho những bạn từng là developer, QC, data scientist,… Sản phẩm họ phụ trách sẽ nặng về mặt kiến thức ngành và về mặt technical.
- UX Product Manager: Vị trí dành cho những bạn UX designer và sản phẩm họ phụ trách là UX (trải nghiệm người dùng).
- Growth Product Manager: Vị trí này có thể dành cho những bạn đi từ bộ phận business. Sản phẩm họ phụ trách sẽ là “sự phát triển” của sản phẩm, được thể hiện qua các chỉ số như lượng người dùng thường xuyên, NPS (Net Promoting Score) của sản phẩm, tỷ lệ duy trì khách hàng (Retention Rate), giá trị vòng đời người dùng (Customer Lifetime Value),…
- …
Hoặc họ cũng có thể là những “cầu thủ” đá chéo sân, đi từ một ngành nghề khác hoàn toàn như giáo viên, marketing, tài chính,… và chuyển sang Product Management.
Rất ít nơi dạy về Product Management trong hệ thống giáo dục chính quy. Vì vậy, những khóa học ngắn hạn đã nổi lên nhằmbóc tách từng khía cạnh của ngành này như Become A Product Manager, Product Strategy,… Mặt khác, việc có nhiều cái mũ cũng giúp những người làm Product đến từ những môi trường đa dạng và đem đến nhiều góc nhìn sáng tạo hơn. Đa phần những người làm về Product mà mình biết đều có những thế mạnh hoặc ngành học rất khác: một người chị học Kinh doanh quốc tế ở trường A, một đứa em học về AI ở trường B,…
They didn’t study “product management” in college, because that major didn’t exist. They come from a wide diversity of backgrounds and relish wearing many hats. Though it’s nearly impossible to succinctly define what makes a PM great, you know it when you see a team they join make a step function leap in its pace of delivering impact.
Nguồn: Noah Weiss on Medium
Một ngành nghề đa dạng, đầy thách thức, góp phần tạo nên rất nhiều giá trị mà khắp nơi, hàng tỷ người đang dùng trong thời kỳ hậu Covid-19 và kỷ nguyên số mới. Vì vậy, nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về chuyện nghề này, đừng quên đăng ký email để nhận thông báo mới nhất trên blog hieuluctrong nhé!
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về những thông tin mình đã đúc kết phía trên, hãy đọc:
- 7 Types of Product Every Product Manager Will Encounter (Product School)
- The roles product people play (KBPMedia)
- The rise of the growth product manager (Product Led Growth Collective)
- How I transitioned from UX to Product Management (Katrin Zotchev on Medium)
- Why you need to know about different product manager types (Mind The Product)
- Cracking the PM Interview: How to Land a Product Manager Job in Technology
Đây là bài viết đầu tiên trong chuỗi chuyện nghề của mình. Hi vọng những chia sẻ này đã phần nào giúp bạn hiểu hơn về dự án Maz học Data và Lucas học Product và giúp bạn hiểu thêm về Product.
Hẹn bạn ở bài viết tới!
just navigating,
hieuluctrong.
Best wish for you
Great delivery anh oi